Hội thảo
Giới thiệu sách  Ngẫu nhiên và tất yếu của Jacques Monod
13.6.2017 – 18h00
Thư viện IDECAF
Vào cửa tự do
Ngôn ngữ : Tiếng Việt

Diễn giả :

  • Dịch giả Hà Dương Tuấn đã học cao học toán tại đại học Paris. Ông đã dịch cuốn “sự hình thành tinh thần khoa học” của tác giả Bachelard, cũng do nxb Tri Thức xuất bản, đồng thời là dịch giả của tác phẩm trên
  • Gs. Chu Hảo : Giám đốc NXBT

Tác phẩm “Ngẫu nhiên và tất yếu” (Le hasard et la nécessité) được xuất bản năm 1970. Từ những khám phá mới nhất về sinh vật học phân tử, tác giả Jacques Monod đề xuất một cách nhìn triết học mới về sự tiến hoá của con người và xã hội.

Có thể phát biểu niềm tin vững chắc nhất của tác giả và của đại đa số các nhà khoa học thời nay như một định đề cơ bản : Tự nhiên là khách thể và không mang dự phóng. Tự nhiên hiện hữu bên ngoài ý thức con người, và sự hiện hữu đó không mang theo bất cứ mục đích nào. Từ đó, khác với các học thuyết được ông đánh giá là “hữu linh”, vì đều dựa trên giả thuyết (hiển ngôn hay nằm sâu trong nền tảng của chúng) cho rằng tự nhiên có “ý chí” hay “dự định” (như của Hegel, Marx, Engels, Bergson, Teilhard de Chardin, v.v.), Monod quan niệm rằng sự sống, cũng như con người, xuất hiện là do ngẫu nhiên thuần tuý. Nhưng trong khi đó toàn thể tự nhiên bị chi phối bởi tính tất yếu trong các quy luật vật lý.

Tại sao sự tiến hoá của sinh quyển trên trái đất rõ ràng là hướng thượng và tiến tới những hình thức ngày càng phức tạp ? Với các học thuyết cổ điển, dự phóng hướng thượng là hiển nhiên. Nhưng với tác giả câu hỏi cơ bản đó là một vấn đề triết học hoàn toàn mới và rất nan giải. Đây là vấn đề mà tác giả phải giải quyết trong tác phẩm này, tuyệt đối chỉ bằng những quy luật vật lý của tự nhiên, khách thể và không mang dự phóng. Nội dung khoa học của tác phẩm chiếm phần trọng tâm qua hơn nửa số chương, trình bày cả một quá trình tiến hoá từ những phân tử sinh học đơn giản nhất cho tới ý thức con người và cuối cùng là ý thức xã hội. Đây cũng là một giải thích khoa học rất phong phú về sự kết hợp tinh tế của hai yếu tố ngẫu nhiên và tất định.

Với quan niệm như thế về tự nhiên, con người và xã hội, làm sao chúng ta có thể đặt nền tảng cho đạo lý ? Để kết thúc tác phẩm, tác giả nói tại sao vấn đề còn mở ngỏ : những niềm tin siêu hình đã nảy sinh qua nhiều thế kỷ đang mất dần, để chỉ còn lại nhận định sau : “đạo lý của hiểu biết cũng là sự hiểu biết về đạo lý“. Từ nay sẽ không có một đấng cứu rỗi nào, con người chỉ có thể lấy thái độ khách quan khoa học làm nền tảng cho văn hoá hiện đại để có thể đứng trước sự chọn lựa hoàn toàn có ý thức và tự do giữa “Vương quốc của thiên đường và địa ngục“.