Hợp tác Pháp – Việt trong lĩnh vực y tế : một lịch sử lâu đời và phong phú:

Thế kỷ XIX chứng kiến sự ra đời của những trao đổi đầu tiên giữa y học Pháp và y học Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác đầu tiên ký kết vào những năm 1880 về việc triển khai « Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật y học » tại Hà Nội đã tạo điều kiện cho những người Việt hành nghề y trẻ tuổi tìm hiểu về y học của Pháp nói chung, về tiêm chủng, về tiểu phẫu và về nhãn khoa nói riêng.

Với việc thành lập Viện Pasteur hải ngoại đầu tiên ở Sài Gòn  vào năm 1890, sau đó là Viện Pasteur ở Nha Trang và ở Hà Nội, Việt Nam đã trở thành nơi phát triển của tiêm chủng và nghiên cứu y sinh học. Các viện nghiên cứu này đã đóng góp vào phát triển các ngành như dịch tễ học, y tế công cộng và y học nhiệt đới. Viện Radium Đông Dương thành lập vào những năm 1920 đã giúp phát triển kỹ thuật chụp x quang và xạ trị.

Đầu thế kỷ hai mươi, năm 1902, Trường đại học y Đông Dương được thành lập do Alexandre Yersin làm hiệu trưởng, ông là người đặt nền móng cho giáo dục đại học y tế. Từ năm 1904 sinh viên y khoa Việt Nam đã được giao trọng trách trong hệ thống y tế non trẻ Việt Nam. Những kỳ thực tập đầu tiên tại các bệnh viện của Pháp bắt đầu năm 1909. Trường đại học y Sài Gòn, chi nhánh của Đại học y Hà Nội mở cửa vào năm 1947.

Trong những năm chiến tranh, các bác sĩ Pháp và Việt Nam vẫn giữ quan hệ chặt chẽ và việc giảng dạy y học Pháp vẫn được tiếp tục. Nhiều bác sĩ Việt Nam được Pháp đào tạo đã gắn bó với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam như Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Y, người vào năm 1945 đã tiến hành khóa khai giảng đầu tiên của trường y tại chiến khu; Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ phẫu thuật, tốt nghiệp y khoa năm 1937, người từ năm 1946 đã thành lập các bệnh viện dã chiến, cũng như Giáo sư Nguyễn Văn Hưởng phụ trách phòng xét nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn, người đã chế ra vắc xin tại chiến khu và trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam vào năm 1968.

Từ năm 1984, trao đổi hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Pháp và Việt Nam bắt đầu hình thành thông qua việc tiếp nhận bác sĩ trẻ Việt Nam thực tập nội trú (FFI) tại các bệnh viện Pháp. Đây là hoạt động hợp tác toàn diện hơn với mục tiêu được xác định rõ ràng từng giai đoạn thực hiện, đưa đến việc ký kết vào ngày 10/02/1993 hiệp định y tế liên chính phủ.

Kể từ đó, nhiều chương trình hợp tác được hình thành và phát triển theo nhu cầu của cộng đồng y tế và người dân Việt Nam.

Mục tiêu hợp tác y tế hiện nay là nhằm tích hợp tốt hơn hoạt động hợp tác song phương của Pháp với các hợp tác đa phương nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam.

Hợp tác y tế của Pháp tại Việt Nam năm 2015 :

Đào tạo, quan hệ đối tác liên bệnh viện, nghiên cứu và đóng góp lớn cho Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.

Hợp tác y tế là một trong các ưu tiên chiến lược của Pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Từ năm 1993, năm ký hiệp định hơp tác y tế liên chính phủ, Pháp đầu tư rất nhiều vào đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác được các cơ sở y tế Việt Nam đề xuất. Dựa trên tính ưu việt và chuyển giao kỹ năng, trong hai mươi năm qua, quan hệ hợp tác là những động lực trao đổi trong các dự án hợp tác giữa các đại học, các bệnh viện nhằm hỗ trợ cải cách sâu rộng hệ thống y tế Việt Nam.

Cuộc chiến chống các bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét, mục tiêu thiên niên kỷ số 6 là một ưu tiên hợp tác của chúng tôi. Bằng cam kết tài chính của mình cho Quỹ toàn cầu (nước đóng góp tài chính thứ hai cho quỹ), việc huy động chuyên gia và cách tiếp cận sáng tạo của mình nhằm gây quỹ (UNITAID) Pháp là một trong những nước tích cực nhất thế giới trong việc hỗ trợ các nước chống lại ba căn bệnh nói trên.